Có ý kiến cho rằng không thể xếp chồng trực tiếp máy sấy lên trên máy giặt và bắt buộc phải sử dụng kệ đi kèm.
Đặt mua máy sấy ngưng tụ mới, chị Thu Diễm (Quảng Ninh) được nhân viên giao lắp tư vấn mua thêm kệ để an toàn và tiết kiệm diện tích khi xếp phía trên máy giặt ngoài ban công. Kệ có giá 1,5 triệu đồng, sử dụng khung sắt và có tấm gỗ ép làm giá đỡ. Tuy nhiên, chồng chị cho rằng giải pháp này chỉ gây vướng và tốn tiền.
Có nên dùng kệ cho máy giặt, máy sấy hay không cũng là chủ đề thu hút hàng nghìn lượt bình luận trên một số diễn đàn, khi nhu cầu mua thiết bị sấy tăng cao trong mùa nồm ẩm ở miền Bắc. Nhiều người khẳng định cần kệ riêng để đảm bảo an toàn cho hai máy, hạn chế rung lắc hoặc rơi trong quá trình sử dụng. Ngược lại, có ý kiến cho rằng có thể xếp trực tiếp để đảm bảo mỹ quan, không cần thêm khung kệ lãng phí.
Theo chuyên gia công nghệ Minh Tiến, không có câu trả lời chung cho việc có nên đặt trực tiếp máy sấy lên trên máy giặt vì còn tùy thuộc vào kiểu máy, trọng lượng và nhà sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung việc dùng thêm kệ rời không bắt buộc. Ngoài ra, nhiều mẫu kệ dưới hai triệu đồng có thiết kế không chắc chắn, bề mặt gỗ ép công nghiệp sau một thời gian có thể cong vênh, không an toàn khi đặt ở ngoài trời như ban công.
Ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc chuỗi siêu thị điện máy MediaMart, đa số các dòng máy sấy hiện nay đều có thể xếp chồng trực tiếp lên trên máy giặt do trọng lượng nhẹ, khi sấy đều là quần áo đã được vắt nước nên ít rung khi hoạt động. Một số hãng như Coex, Electrolux, Samsung, LG, Panasonic đều có dòng sản phẩm máy giặt và máy sấy cùng thiết kế, bảng điều khiển đồng bộ.
Tuy nhiên, trong trường hợp không mua hai máy cùng thương hiệu, người dùng cũng cần lưu ý khi xếp chồng trực tiếp. Bốn chân đế máy sấy phải nằm trong bề mặt trên của máy giặt. Nếu có thể, cả hai nên có cùng khối lượng giặt hoặc sấy, phổ thông là 8-10 kg. Máy giặt cần nằm chắc chắn trên mặt phẳng, không rung lắc.
“Do bảng điều khiển quá cao, có người còn muốn xoay ngược máy sấy để dùng bảng điều khiển tiện hơn. Tuy nhiên, cần đọc kỹ hướng dẫn và hỏi tư vấn viên của nhà sản xuất vì không phải máy nào cũng làm được như thế”, ông Tiến nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia công nghệ Trần Mạnh Hiệp lưu ý, máy sấy bơm nhiệt (heatpump) thường nặng hơn khá nhiều so với máy sấy ngưng tụ hay thông hơi thông thường. Do đó, dòng máy này nên có thêm phụ kiện để giữ chặt phía trên máy giặt. “Nếu khác nhà sản xuất và không có phụ kiện hỗ trợ, không nên đặt máy sấy heatpump bên trên”, ông Hiệp nói.
Ngoài ra, thay vì sử dụng kệ, người dùng có thể tự đặt đóng vách che bên ngoài máy để đảm bảo thẩm mỹ, độ bền khi đặt ngoài trời.